Nắm được cách gói bánh chưng vuông vắn bên ngoài, xanh dẻo bên trong là mong muốn của nhiều người. Làm được điều này không khó nhưng đòi hỏi người thực hiện sự khéo léo trong từng bước. Cùng thực đơn eat clean khám phá bí quyết để sẵn sàng gói những chiếc bánh thơm ngon, trọn hương vị ngày Tết nhé.
Cách làm bánh chưng đòi hỏi sự khéo léo (Ảnh: Internet)
Nhắc đến Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam không thể nào thiếu vắng hương vị thịt mỡ dưa hành, bánh chưng, bánh tét… Theo truyền thuyết, về nguồn gốc bánh chưng xuất hiện từ đời vua Hùng thứ 6.
Bánh chưng bên ngoài dùng lá dong hoặc lá chuối có sẵn trong tự nhiên, gói trọn bên trong những nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… Chính vì vậy, loại bánh này thể hiện sự biết ơn đất trời đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu và mang ý nghĩa cầu mong cuộc sống ấm no.
Cách gói bánh chưng ngon, sum vầy ngày Tết
Nguyên liệu
- 650g gạo nếp
- 300g thịt ba chỉ
- 400g đậu xanh (đã sạch vỏ)
- Lá dong (hoặc lá chuối)
- Gia vị: Muối, đường, tiêu xay…
Dụng cụ
- Khuôn (1 bộ gồm cái to, cái nhỏ)
- Dây lạt (hoặc dây buộc)
- Nồi lớn (hoặc nồi áp suất)
Cách làm bánh chưng xanh
Sơ chế nguyên liệu
- Gạo nếp: Cho gạo nếp vào âu lớn ngập nước, ngâm tầm khoảng 4 tiếng. Để bánh chưng dẻo hơn, bạn có thể ngâm gạo nếp qua đêm. Cách ngâm gạo gói bánh chưng có màu xanh đẹp mắt là cho lá chuối hoặc lá dứa vào ngâm cùng. Sau đó, vớt gạo nếp ra ngoài rổ để ráo nước, cho thêm 1-2 muỗng muối, trộn đều.
Ngâm gạo nếp với nước để qua đêm (Ảnh: Internet)
- Đậu xanh: Cho đậu xanh vào nồi, ngâm với nước khoảng 4 tiếng. Khi đậu xanh nở đều, vớt ra rổ, cho ít muối và tiêu xay vào trộn đều.
- Thịt heo: Chà xát muối lên bề mặt miếng thịt heo, rửa lại nhiều lần với nước. Cắt thịt heo thành miếng và tiến hành ướp gia vị cùng với ít muối, đường, tiêu xay.
- Lá dong: Lá dong mua về, bạn rửa sạch, lau khô.
- Dây buộc: Nếu sử dụng dây lạt, bạn ngâm nước vài tiếng để lạt mềm dễ buộc. Còn nếu không có dây lạt, bạn sử dụng sợi len, chỉ chuyên dụng trong nấu ăn.
Rửa và lau sạch lá dong gói bánh chưng (Ảnh: Internet)
Gói bánh
Cách gói bằng khuôn
Khuôn sẽ giúp những chiếc bánh chưng được cố định hình dạng. Từ đó thành phẩm thu được sẽ vuông vức đẹp mắt và đều nhau hơn. Khuôn gói bánh chưng có nhiều kích thước, tùy từng gia đình, bạn có thể chọn loại khung phù hợp. Công thức gói bánh chưng bằng khuôn chi tiết:
- Xếp 2 lá dong úp mặt xanh đậm xuống dưới, một nửa bên lá này đè lên nửa bên của lá kia và đặt chúng ngược chiều nhau.
- Đặt tiếp lên trên 2 lá dong mặt xanh hướng lên và vuông góc với 2 lá dưới. Úp ngược khuôn nhỏ vào giữa lá dong.
Xếp lá dong và đặt khuôn nhỏ vào giữa (Ảnh: Internet)
- Gấp lá dong theo sát mép khuôn nhỏ theo chiều từ trái qua phải.
- Đặt khuôn lớn lồng vào theo hướng từ dưới lên, nhắc nhẹ khuôn nhỏ ra ngoài.
Sau khi gấp lá dong theo khuôn nhỏ, lồng khuôn lớn vào bên ngoài (Ảnh: Internet)
- Mở lá dong đã được tạo hình, cho vào 1 bát con gạo nếp, dàn đều. Cho đậu xanh vào, dàn đều, thêm 1-2 miếng thịt ở giữa rồi tiếp đến lớp đậu xanh dàn đều. Phủ kín bề mặt trên bằng bát con gạo nếp.
Cho các nguyên liệu làm bánh chưng vào giữa (Ảnh: Internet)
- Gấp 2 lá dong lớp trên vào, gấp tiếp 2 lá dong lớp dưới vào, nén chặt tay rồi nhấc bánh ra khỏi khuôn.
- Đặt dây lạt ở dưới bánh, xoắn lạt tạo thành chữ thập rồi buộc. Khi gói bánh, bạn nên buộc nhẹ tay để không làm rách lá và nếp bên trong có thể nở mềm.
Dùng dây lạt buộc cố định bánh chưng (Ảnh: Internet)
Cách gói không cần khuôn
Gói bánh chưng không cần khuôn làm nhanh và chắc tay hơn so với việc dùng khuôn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được. Các bước làm bánh chưng không dùng khuôn đơn giản:
- Úp mặt xanh đậm của 2 lá dong xuống dưới theo chiều dọc. Đặt ngửa 2 lá dong khác lên trên theo chiều ngang. Lúc này, 2 lớp lá dong vuông góc với nhau.
- Cho bát con gạo nếp vào giữa, thêm lớp đậu xanh, 1-2 lát thịt heo, tiếp đến là lớp đậu xanh và cuối cùng là gạo nếp.
Cho gạo nếp, đậu xanh, thịt heo vào giữa dàn đều (Ảnh: Internet)
- Giữ 2 mép lá nằm dọc, từ từ gấp và cuộn lá sao cho phần nếp được cố định. Tiếp theo, dùng một tay giữ nếp vừa gấp, tay còn lại gấp phần lá còn lại theo chiều ngang.
Gấp và giữ nếp lá dong cố định (Ảnh: Internet)
- Sau đó, dựng đứng bánh lên, giữ chặt, vỗ nhẹ để bánh xuống mặt bàn để phần nhân bánh được dàn đều và chặt hơn. Gấp phần lá ở phía trên vào, dựng bánh lên và vỗ tương tự cho mặt bên cạnh.
Dựng và vỗ bánh chưng để phần nhân bên trong được dàn đều, chặt hơn (Ảnh: Internet)
- Dùng dây lạt buộc chặt bánh chưng đã được cố định. Buộc 2 sợi song song nhau rồi buộc tiếp 2 sợi lạt vuông góc 2 sợi trên.
Buộc lạt bánh chưng bằng 4 sợi lạt đặt vuông góc nhau (Ảnh: Internet)
Luộc và ép bánh
Luộc kiểu truyền thống
- Đổ nước vào nồi lớn, cho bánh chưng vào, bắc lên bếp luộc. Luộc trong vòng khoảng 10 tiếng là bánh chưng chín.
Luộc bánh chưng theo cách truyền thống trong vòng 10 tiếng là chín mềm (Ảnh: Internet)
Luộc nhanh bằng nồi áp suất
- Lót lớp lá ở dưới nồi, cho bánh vào, đổ ngập nước, đậy nắp, khóa van rồi đun.
- Khi van áp suất nổi lên thì hạ lửa nhỏ. Theo cách này, bạn chỉ mất khoảng 1h30 – 2h là bánh chín.
Dùng nồi áp suất rút ngắn thời gian luộc bánh chưng (Ảnh: Internet)
Ép bánh
- Khi bánh chín, vớt ra ngoài cho vào âu nước để làm sạch lớp mỡ bám bên ngoài.
- Vớt bánh để trên mặt phẳng, dùng vật nặng đè lên trên khoảng 3 tiếng.
Ép bánh chưng trong vòng 3 tiếng sau khi luộc chín (Ảnh: Internet)
Thành phẩm
Thành phẩm bánh chưng bên ngoài vuông vức. Bên trong nếp xanh, nở mềm dẻo, thịt đậm đà, đậu xanh thơm, vàng óng.
Bánh chưng có thể ăn nóng ngay khi vừa luộc hoặc để nguội. Để ngon miệng, nên ăn kèm bánh chưng với dưa hành, củ kiệu, dưa món…
Một số lưu ý để gói bánh chưng được ngon
Lưu ý khi luộc bánh
Khi luộc bánh chưng, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Trước khi cho bánh vào luộc bạn nên lót trước lớp lá dong để bánh không bị dính đáy nồi.
- Để tránh khi sôi nước tạo lực đẩy bánh lên, bạn nên xếp bánh chồng lên nhau thật chặt và cố định.
- Bạn có thể dùng vật nặng đè lên trên để đảm bảo bánh luôn chìm trong nước.
- Khi nước sôi, bạn nên giảm lửa và giữ lửa đều suốt quá trình nấu bánh.
- Khi nước trong nồi cạn, bạn đổ thêm nước vào nồi để nước luôn ngập bánh.
Xếp bánh chưng chồng lên và sát bên nhau để được cố định vị trí thật chặt (Ảnh: Internet)
Cách bảo quản
- Bảo quản ở nhiệt độ phòng: Bánh chưng thông thường trong điều kiện trời lạnh khô có thể để được đến 7 ở nhiệt độ phòng. Nếu trời nóng, bánh chưng chỉ có thể bảo quản được thời gian ngắn hơn. Nếu bảo quản ở ngoài, bạn nên treo bánh ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Bảo quản bằng tủ lạnh: Cách bảo quản bánh chưng bằng tủ lạnh khá đơn giản. Bạn chỉ cần để cho vỏ bánh khô ráo rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc từng chiếc bánh. Hoặc bạn có thể hút chân không bánh. Sau đó, cho bánh chưng vào tủ lạnh bảo quản. Với cách này, bạn có thể bảo quản bánh chưng được trong vòng khoảng nửa tháng. Còn nếu muốn để lâu hơn, bạn nên cấp đông bánh chưng.
Cách làm bánh chưng kiểu Eat clean cho ngày Tết
Bánh chưng là món ngon không thể thiếu trong ngày Tết. Thế nhưng loại bánh này lại chứa khá nhiều calorie. Chính vì thế, món ăn này trở thành nỗi lo của nhiều người, đặc biệt là những ai theo đuổi Eat clean.
Do đó, bánh chưng Eat clean xuất hiện đã “cứu cánh” giúp bạn tận hưởng không khí ngày Tết vừa đảm bảo kế hoạch Eat clean.
Bánh chưng Eat clean được rất nhiều người săn đón (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu
- 650g gạo nếp cẩm
- 350g gạo nếp
- 500g đậu xanh
- 500g thịt heo nạc thăn
- Lá dong
- Gia vị: Muối, tiêu xay
Cách gói bánh chưng kiểu Eat clean
- Trộn gạo nếp cẩm và gạo nếp, ngâm với nước khoảng 4 tiếng, vớt ra ngoài trộn với 1 thìa muối.
- Ngâm đậu xanh với nước để nở mềm, vớt ra trộn với 1 thìa cà phê muối, tiêu xay trộn đều.
- Rửa sạch thịt heo nạc, cắt lát rồi ướp với gia vị.
- Thực hiện gói và luộc bánh như cách gói bánh chưng thông thường.
Tạm kết
Khi thực hiện cách gói bánh chưng bạn sẽ thấy nó không khó như nhiều người nghĩ. Hy vọng với những kinh nghiệm chia sẻ trên, bạn có thể tự tin gói và trưng trên mâm cỗ gia đình chiếc bánh chưng thơm ngon, đẹp mắt ngay trong dịp Tết này.